Lễ hội Ngư_Lộc

Lễ cầu ngư (cầu mát)

Theo lời kể của các vị bô lão trong làng thì lễ hội Cầu Ngư xuất phát từ tên lễ hội Cầu Mát của cư dân làng Diêm Phố có từ khi làng mới thành lập vào thời nhà Lê[17].

Lễ hội Cầu Ngư của làng Diêm Phố được bắt đầu từ ngày 21 tháng 2 đến ngày 24 tháng hai âm lịch. Các vị thần được thờ ở Lễ hội này là Tam Bảo Phật, Tứ vị Thánh Nương, Đông Hải Đại Vương, Nẹ Sơn Tôn Thần, Nam Hải Đại tướng quân… Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của xã đồng thời cũng là lễ hội lớn nhất và đặc trưng nhất của khu vực ven biển Tỉnh Thanh Hóa. Bởi vậy mà công tác chuẩn bị cho lễ hội hết sức cẩn thận và chu đáo[17].

Lễ hội Cầu Ngư bao gồm hai phần rõ rệt: Phần Lễ và phần Hội, trong đó phần Lễ là phần đóng vai trò quan trọng và mang nhiều ý nghĩa nhất[17].

Phần lễ

Khi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất. Sáng ngày 21 tháng 2 âm lịch đúng giờ hoàng đạo, vị chủ tế nổi ba hồi chín tiếng trống đại ở nghè cả, sau đó 24 trống lớn nhỏ nổi lên sôi nổi. Ông chủ tế bắt đầu khấn mời chơ vị thần linh giáng lâm chứng giám, sau đó rước thần linh về đàn lễ[17].

Đi đầu đám rước là đội múa lân vừa đi vừa dẹp đường cho đoàn rước đi được thuận tiện, ngay sau đó là một người nam giới, phía sau là một người cầm chiêng, một cầm chống bản, tiếp đến là hai người vác hai long đao. Kế đến là phường bát âm mặc áo dài lương quần trắng, đội khăn xếp, chân đi dày, vừa đi vừa cử bản nhạc lưu thủy. Sau phường bát âm là Kiệu Phật gồm 4 trai kiệu khiêng, tiếp đến là kiệu bát cống rước Tứ Vị Thánh Nương, gồm tám nữ thanh tân quần trắng, áo dài màu, chít khăn vành rây. Đi sau là kiệu Đức Ông, sau nữa là kiệu Đức Vua Thông Thủy 4 người khiêng, tất cả đều đầu chít khăn đỏ, mặc áo nỉ cộc tay màu đỏ, quần màu đỏ, chân quấn xà cạp. Sau kiệu là mô hình bè mảng thờ người bị nạn. Đi sau đám kiệ là hội tế gồm chín vị đều đầu đội mục tế có hai dải thả dài sau lưng, trang phục áo dài thụng màu tím hoặc màu đen, quần dài trắng, chân đi hia. Riêng áo của chủ tế có khác hơn đó là có bố tử đằng trước và đằng sau. Chủ tế đi trước, đằng sau là một hàng đôi bao gồm: hai chuyển chúc và đọc chúc, bốn hồi tế, hai đông xướng và tây xướng, đều lồng tay áo thụng vào với nhau giơ lên phía trước mặt. Sau hội tế là bốn người con trai áo lương quần trắng, đội khăn xếp, đi guốc vác bốn lá cờ hội, tiếp sau là dân làng và quan khách[17].

Đoàn rước kiệu dừng lại bên ngoài cổng nhà trọ. Mười hai cụ đội khăn xếp, mặc áo the đen, quần lĩnh trắng, đi giày, hạ bước vào nhà trọ, mỗi cụ nâng một mũ ngũ sắc. Hai mươi trai kiệu từ 18 tuổi đến 25 tuổi khiêng long châu, trang phục giống như những trai kiệu trước. Đoàn rước lại tiếp tục đi đến đàn lễ. Ba kiệu được đắt lên trên, bên phải đặt kiệu Thích Ca, bên trái là kiêu Đức Vua Thông Thủy, ở giữa là kiệu Tứ Vị Thánh Nương, và đặt bát hương lễ phẩm thứ tự theo sơ đồ đàn lễ. Trên mỗi bàn đặt một chiếc mũ ngũ sắc tượng trưng cho vị thần thánh được thờ ở đây. Phía trái đàn lễ đặt chiếc long châu đầu quay chầu vào đàn, chung quanh đàn cắm cờ hội[17].

Sau đó ban chủ tế làm lễ dâng hương và đội múa lân hoạt động. Đầu giờ chiều cùng ngày, sau khi chọn được giờ tốt ông thầy cúng được nhân dân tín nhiệm lên khoa giáo tiến hành tẩy uế để khoa giáo yên vị[17].

Tại khu lễ đàn vào hầu hết các đêm lễ hội ở những thời điểm chuyển sang ngày mới, ban hành lễ thường xuyên tế lễ sang canh. Trong thời gian hai ngày 22 và 23 nhân dân và khách thập phương đến dâng hương. Đấy là tính chất mở khá tiêu biểu của lễ hội Cầu Ngư. Vì vậy lễ hội Cầu Ngư không chỉ là ngày lễ lớn của ngư dân Diêm Phố mà nó còn là ngày hội lớn của cư dân ven biển Tỉnh Thanh Hóa. Bước sang ngày 24 tháng 2 âm lịch, các giáp rước cỗ từ nhà trọ về đàn lễ, đến nơi lễ phẩm được đặt vào các vị trí trên mặt đàn lễ đã quy định. Lúc này mọi người đã tề tựu đông đủ. Ba hồi chín tiếng trống nổi lên dòng dã, đại tế bắt đầu với bài văn tế cầu yên tháng hai. Ban hành lễ thay mặt cho nhân dân trong xã bái tế và báo cáo với thần thánh về buỗi lễ[17].

Phần quan trọng nhất của lễ Cầu Ngư là tế lễ Giao Ôn bao gồm hai phần chính[17]:

  • Phần 1: Là phần tế lễ ở đàn chính. Vị pháp sư tiến hành làm lễ mời các vị trong hội đồng thần thánh: Hoàng Thiên Lão Mẫu, Ngọc Hoàng, Thành Bản Thổ, Đức Vua Thông Thủy, Tứ Vị Thánh Nương…Đây là khu vực lễ tế chính cho toàn bộ lễ hội, nên nội dung cầu khẩn mang tính bao quát những mong muốn của dân làng: Cầu phúc cầu tài, sống lâu giàu có, tránh được mọi tai ương, đi biển thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy thuyền, buôn bán thuận lợi, thủ công tinh thông, học hành tiến tới, văn tăng võ tiến, toàn dân phúc lộc đề huề.
  • Phần 2: Là phần tế lại long châu. Tại đây việc tế lễ chỉ dành riêng cho người đi biển. Hình tượng long châu là biểu tượng của ngư nghiệp. Toàn bộ chiếc long châu là chiếc thuyền thờ, những người đến lễ dâng lễ vật vào lòng thuyền. Đúng giờ lành, tại long châu ông pháp sư mặc áo dài lương đen, khăn thắt ngang lưng màu đỏ, đứng trước mũi long châu, một tay múa ấn quyết, một tay cầm ba nén hương đang cháy viết vào không gian và dõng dạc đọc lênh khởi hành, sau đó đọc trát. Sau khi đọc xong trát long châu quay mũi về tay cầm bó đóm giơ cao và đọc hịch Bảo On, lời hịch vừa dứt 20 trai kiệu khiêng long châu đi theo pháp sư về phía nam phía sau là dân làng cùng đi tiễn dọc theo bờ biển. Đến cuối làng thì tiến hành "hóa" long chậu. Sau đó rước các kiệu trở về nghè và làm lễ tất (kết thúc)[17].

Phần hội

Bên cạnh phần lễ của lễ hội Cầu Ngư, phần hội cũng được xem là phần quan trọng không thể thiếu. Việc tiến hành một cách song song giữa phần lễ và phần hội trong lễ hội Cầu Ngư được coi là thích hợp và cần thiết, bởi lẽ bên cạnh phần lễ được tổ chức một cách trang nghiêm, cẩn trọng với những nghi thức tâm linh, thì phần hội cũng được tổ chức khá chặt chẽ và chu đáo, với các trò chơi, đua thuyền, hát đối đáp… làm cho bầu không khí lễ hội thêm vui tươi, náo nhiệt. Đây cũng là thời gian ngư dân được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí xóa đi mọi căng thẳng, mệt mỏi trong những ngày mải miết lao động vất vả tìm kế sinh nhau, để chuẩn bị bước vào một mùa vụ mới đầy hứa hẹn[17].

Phần hội được tổ chức khá đa dạng bao gồm các trò diễn, trò vui chơi diễn ra xen kẽ trong suốt bốn ngày hội của làng.

  • Trò câu mực: Câu mực vốn là nghề truyền thống của ngư dân xã Ngư Lộc, việc đưa trò câu mực vào trong hội làng được xem là rất phù hợp, bởi trò này không những yêu cầu có kinh nghiệm mà còn đòi hỏi sự khéo léo của người chơi. Trước khi vào lễ, ban tổ chức cho cắt những mô hình cá mực bằng sốp và thả vào chậu cao đựng nước, người câu phải dùng những cần câu có lưỡi câu chùm được gắn với nhau bằng một lớp chì mỏng, người chơi phải quăng cần thật chính xác làm sao càng nhiều mực càng tốt. Trò này thu hút khá nhiều người tham gia, đặc biệt là những người có thâm niên trong nghề đi biển câu mực[17]. Đây không những là một loại hình vui chơi mà còn là địa điểm để trao đổi kinh nghiệm và giao lưu của những người trong nghề ngư nghiệp.
  • Trò đánh tùm: Trò đánh tùm được tổ chức ở những nơi có đất bằng phẳng, người ta khoét hai lỗ tròn có đường kính 20 cm, lỗ này cách lỗ kia 25 cm. Trước đó, họ đã mài những viên tròn bằng gạch hoặc đá, viên có đường kính 15 cm. Người tham gia không phân biệt gái trai, già trẻ, người chơi tùm đứng từ lỗ bên này ném viên tròn vào lỗ bên kia, nếu viên tròn nằm lọt dưới lỗ mới là thắng, ném trúng nhiều lần theo sự giao kết chung đó là người thắng cuộc. Người thắng cuộc được làng treo giải thưởng bằng tiền đồng. Trò chơi này đơn giản thu hút được nhiều người tham gia ở nhiều điểm chơi trong cùng một lúc, tạo cho phần lễ hội thêm phần sôi nổi và cũng thỏa mãn được mọi người khi tìm đến giây phút thăng hoa lễ hội[17].
  • Hát ghẹo: Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa khá hấp dẫn đối với thanh niên trong đời thường cũng như trong lễ hội. Tuy nhiên hát ghẹo trong đời thường khác hát ghẹo trong lễ hội. Nếu như hát trong đời thường là cách hát theo ngẫu hứng, tự do, không lệ thuộc vào quy định nào thì hát trong lễ hội là hát cuộc, bắt buộc tuân theo trình tự. Một cuộc hát nhất thiết phải trải qua ba chặng và chín lời, mỗi chặng gồm ba lời[17].

Lời hát ghẹo ở Diêm Phố - Ngư Lộc gồm ba chặng chín lời hát rất dài, người hát có thể chủ động trên cơ sở từ sườn đó mà sáng tạo cho phù hợp với tình cảnh nơi diễn ra cuộc hát. Vì thế những nét sinh hoạt đời thường trong cuộc sống của người dân nơi đây được phản ánh rất rõ nét trong lời hát[17].

  • Trò đua thuyền: Trò đua thuyền được xem là trò chơi chính của lễ hội cũng như của người dân Diêm Phố xưa và Ngư Lộc ngày nay. Đây là một trò chơi tập thể có sức thu hút lớn đối với người tham gia và cả người xem. Cuộc đua không chỉ diễn ra giữa các thuyền đua với nhau mà nó thực sự là cuộc đua giữa các xóm (xưa) và giữa các thôn (ngày nay) với nhau[17].

Trước đây đua thuyền thường diễn ra vào ngày thứ hai, thứ ba (tứ 22-23 tháng 2). Khi đó làng Diêm Phố có bốn xóm là Đông, Đoài, Nam, Bắc. Mỗi xóm phải chọn một chiếc thuyền tốt, lau chùi sạch sẽ, kéo lên bờ để cho khô, có thể ghép thêm tấm ván ở đầu và đuôi thuyền. Bên ngoài thuyền dùng sơn các màu vẽ trang trí đầu rồng ở đầu thuyền và đuôi rồng ở cuối thuyền. Quân bơi được lưa chọn trong xóm mình gồm 24 người con trai tuổi từ 18 đến 30, có sức khỏe, có tay nghề sông biển giỏi, gia đình kỷ cương hòa thuận, trong năm gia đình không có tang. Trang phục của quân bơi là mọi người đều đóng khố bằng vải màu nâu thẫm, thắt ngang lưng dải lụa màu xanh, đầu chít khăn đầu rìu bằng vải màu đỏ. Mỗi thuyền đều có một người hoa tiêu, một người cầm lái, một người tát nước, năm người cầm chèo, mười sáu người cầm dầm bơi[17].

Địa điểm đua thuyền là đoạn biển từ đầu làng đến cuối làng dài khoảng 1 km, hai đầu đều cắm tiêu làm mốc. Trước khi vào cuộc đua, các thuyền đua và quân bơi phải tập trung ở vị trí quy định sẵn sàng chờ lệnh. Trọng tài là các chức sắc và vài cụ cao tuổi trong làng. Một hồi trống nổi lên, người chỉ huy phất cờ lệnh, chiêng trống náo động, tất cả các quân bơi đều nhảy xuống thuyền của xóm mình. Khi người cầm lái hướng mũi thuyền vào cuộc, theo hiệu gõ tất cả các tay bơi đều đều dồn sức vào dầm, vào bai chèo cho thuyền lướt trên sóng trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng ngàn người xem. Các thuyền phải đi hết "ba khoanh sáu lượt" vòng qua hai cột tiêu. Thuyền nào về trước tiến thẳng vào bờ trong tiếng hò reo vang dội của dân làng. Giải thưởng khi đó là những tấm nhiễu, tấm lụa và các quan tiền đồng[17].

Dù thắng hay thua quân bơi của cả bốn thuyền đều được nhân dân rót rượu chúc mừng và đốt pháp để đón tiếp. Sau đó cả làng mở tiệc khoa quân, cuộc vui này kéo dài tới tận khuya[17].

Ngày nay trò đua thuyền vẫn được người dân nơi đây giữ gìn thậm chí còn được phát huy mạnh hơn. Tuy nhiên cũng có một số thay đổi, do hội đua thuyền ngày càng được tổ chức quy mô và trở thành một hoạt động văn hóa độc lập. Vì vậy hội đua thuyền trong mấy năm trở lại đây thường tách ra tổ chức vào dịp Quốc khánh mùng 2 tháng 9. Hội được diễn ra trong ba ngày từ 30 đến mùng 2 tháng 9. trước đây làng Diêm Phố chỉ có bốn xóm: Đông, Đoài, Nam, Bắc ứng với bốn thuyền đua nhưng đến nay Diêm Phố đổi thành xã Ngư Lộc trong đó xã được chia làm bảy thôn: Thành Lập, Nam Vượng, Bắc Thọ, Chiến Thắng, Thắng Lộc, Thắng Phúc, Thắng Tây, ứng với bảy thuyền đua. Trang phục ngày nay của quân bơi cũng có khác trước, để phân biệt, mỗi đội bơi phải mặc quần áo một màu khác nhau, đầu chít khăn cùng màu với quần áo. Những thuyền giành được thắng lợi đều có phần cùng những lời reo hò chúc mừng của các cổ động viên, tuy nhiên tục đốt pháp ăn mừng thì không còn nữa. Nhưng các thông đều mở tiệc khao quân, cuộc vui có thể kéo dài hai ba ngày[17].

Lễ đền Đức Ông

Thời gian diễn ra lễ đền Đức Ông là từ đêm 22 tháng chạp đến ngày 23 tháng chạp[17].

Người điều hành công việc trong ngày nay là một người được làng bầu chọn với những điều kiện: trong gia đình không có tang, con cháu đề huề nền nếp, kỷ cương, bản thân là người giỏi gian nghề biển và hiểu biết trong các việc tế lễ của làng, người này được gọi là ông chủ trọ. Nhà trọ phải đủ rộng rãi, thoáng đãng và sạch sẽ để dùng làm đàn lễ. Người ta bày biện bàn thờ trang hoàng cờ quạt. Gian giữa nhà đặt một bàn lớn, trên bàn có bát hương, hai cây nến, đội long đao, giữa đôi long đao là mâm bánh trái, bên phải bày cỗ xôi, thịt. Lễ phẩm dù là bánh trái, lợn, gà nhưng nhất thiết phải có một con cá "hác" (cá này làng phải cử người nuôi cá, đào một lỗ sâu xuống đất, lót ni lông, đổ nước biển vào lỗ, thả cá vào và phải chăm sóc thức ăn chu đáo) phải còn sống thả cho bơi lội trong chậu và đặt lên bàn thờ, khi lễ xong phải thả cá xuống biển. Ngoài ra phải sắm lễ bằng một con cá nướng, thuộc loại ngon ở biển. Trước bàn thờ phía dưới trải chiếu để làm nơi hành lễ, trước nhà cắm hai lá cờ hội. Ong chủ trọ sắm một chút lễ nhỏ có trầu rượu, vàng hương lên đền Đức Ông xin chân hương về lập bát hương tại đàn lễ ở làng và chuẩn bị cỗ bàn để làm lễ[17].

Sau khi lập bát hương xong, cỗ bàn cũng đầy đủ. Đúng 24 giờ đêm, ông chủ trọ cùng ông chủ tế trong làng, quần chúng, áo dài, khăn xếp bước vào lên hương và nổi một hồi chuông, mọi người xung quanh đều thành tâm làm lễ, ông chủ tế quý trước đàn lễ khấn, sau đó mọi người lần lượt vào thắp hương làm lễ. Buỗi lễ kéo dài cho đến hết đêm 22 tháng chạp. Sáng sớm 23 tháng chạp làm lễ tiễn Đức Ông lên đền. Vị chủ tế thắp hương và khấn xin được rước ngài về đền[17].

Một hồi trống trong gian lễ nổi lên, giàn bát âm tấu bản nhạc lưu thủy. Ong chủ trọ hai tay nâng mâm bồng có bát hương, hai trai làng vác hai lộng đi hai bên che cho bát hương, đi sau là mâm ngủ quả, đến mâm cỗ chính, đến chậu đựng cá sống, rồi các mâm cỗ khác, tiếp theo sau là hai hàng cờ quạt, gươm giáo, long đao và giàn bát âm, sau cùng là dân làng đưa tiễn ngài đến tận đền. Lúc này hội tế ở đền đã trang phục mũ áo hia chỉnh tề. Đại tế bắt đầu khi bát hương và các lễ phẩm đã được đặt lên bệ thờ. Cuộc đại tế ở đền Đức Ông cũng qua các bước trình tự diễn ra như một cuộc đại tế có tính chất cung đình. Tế xong phải đem con cá sống thả ra biển rồi đem bát hương rước từ làng lên, hóa luôn với vàng và kết thúc buổi lễ[17].

Tiến trình của nghi thức lễ đền đức ông, chỉ đóng khung trong hoạt động tục lệ thuần túy. Tuy đơn giản không tưng bừng lắm màu sắc như lễ cầu mát đầu năm nhưng nó lại rất trang trọng và có sức lay động tâm linh sâu sắc đối với cư dân nơi đây[17].

Lễ hạ thủy

Đời sống ngư dân gắn liền với con thuyền, thuyền là phương tiện đi lại, là công cụ đánh bắt. Do đó khi khởi công đóng thuyền và hạ thủy ngư dân đều phải xem ngày và chọn giờ tốt, cũng như làm lễ cúng vái các vị thần linh. Tục này rất được người dân Diêm Phố coi trọng và trở thành lệ làng. Bất cứ gia đình nào trước khi hạ con thuyền mới đóng xuống nước đều làm lễ tế thủy thần để nhập con thuyền vào biển. Lễ hạ thủy phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình mà tổ chức theo nghi thức riêng. Nhà bình thường cũng phải có chõ xôi, con gà, hương vàng, trầu, rượu và bánh pháo để đốt mừng con thuyền chạm nước. Nhà giàu thì có thêm vài mâm cỗ, mời họ mạc ăn uống linh đình. Ngày hạ thủy, những người trong họ mạc, anh em bạn bè thân tình đều mang theo gạo, tiền hoặc rượu đến mừng gia chủ, ít hay nhiều tùy từng người. Đây là hình thức tương trợ nhau khá phổ biến, thể hiện tính tương thân tương ái. Hiện nay tục lệ này vẫn còn đậm nét trong đời sống sinh hoạt của ngư dân vùng biển diêm phố - Ngư Lộc[17].

Tuy nhiên trong lễ tục này, ngư dân vùng biển Ngư Lộc hết sức kiêng kị người có tang và đàn bà chửa tới gần khu vực đóng thuyền, cũng như trong ngày lễ hạ thủy. Vì điều đó mang lại xui xẻo và điều không may mắn đến cho gia chủ. Nếu chẳng may có đàn bà chửa đi qua thì thầy cúng phải đánh vía rất nặng[17].

Liên quan